Ngành Công nghệ Thực phẩm
Thứ hai - 10/06/2024 23:09
Loại hình đào tạo: Tập trung chính quy.
Trình độ đào tạo: Đại học.
Mã ngành: 7540101.
Khối xét tuyển: A00, A09, B00, D07.
Mục tiêu đào tạo: Sinh viên tốt nghiệp có kiến thức, kỹ năng, và năng lực:
1. Mục tiêu kiến thức
- Kiến thức cơ bản: Sinh viên được trang bị những kiến thức cơ bản về về kinh tế, chính trị và xã hội; vận dụng các kiến thức trên để lý giải những vấn đề đặt ra trong khoa học và đời sống. Phát triển trí lực và thể lực đáp ứng yêu cầu trong học tập và lao động.
- Kiến thức cơ sở ngành: Sinh viên được trang bị những kiến thức cơ bản về ngành Công nghệ Thực phẩm như: đặc điểm, tính chất của nguyên liệu, phụ gia, trang thiết bị, máy móc, các phương pháp chế biến, phương pháp bảo quản; vận dụng các kiến thức trên để giải thích các biến đổi của nguyên liệu trong quá trình chế biến, lựa chọn quy trình sản xuất phù hợp với từng loại nguyên liệu và từng sản phẩm thực phẩm.
- Kiến thức chuyên ngành: Sinh viên được trang bị những kiến thức chuyên ngành công nghệ thực phẩm để lập kế hoạch, tổ chức, thực hiện và giám sát các quá trình chế biến, sản xuất thực phẩm, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, quản trị chất lượng thực phẩm, đánh giá chất lượng sản phẩm…
2. Mục tiêu về kỹ năng
- Kỹ năng nghề nghiệp: Sinh viên được đào tạo thành thạo các kỹ năng thực hành nghề nghiệp như: thu thập và phân tích thông tin, xây dựng và đề xuất các ý tưởng, phân tích, tổng hợp và đánh giá một cách toàn diện để giải quyết các vấn đề phức tạp phát sinh trong chế biến, sản xuất thực phẩm, quản trị chất lượng thực phẩm, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới.
- Kỹ năng mềm: Sinh viên được trang bị kỹ năng ngoại ngữ để giao tiếp và đọc hiểu các tài liệu chuyên môn, kỹ năng công nghệ thông tin cơ bản để phục vụ cho học tập, nghiên cứu và làm việc, kiến tạo thương hiệu bản thân.
3. Mục tiêu về năng lực tự chủ, trách nhiệm, thái độ đạo đức và khả năng phát triển chuyên môn
- Có năng lực làm việc độc lập và làm việc nhóm; thích nghi với môi trường làm việc; sẵn sàng chịu trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm đối với nhóm.
- Tôn trọng pháp luật, văn hóa trong tổ chức; thể hiện tinh thần, trách nhiệm, kỷ luật cao, có lối sống tích cực, hướng về cộng đồng.
- Có năng lực lập kế hoạch, điều phối, quản lý nguồn nhân lực, đánh giá và cải tiến các hoạt động chuyên môn.
4. Cơ hội việc làm
Người học sau khi tốt nghiệp cử nhân công nghệ thực phẩm có thể công tác ở các vị trí công việc sau:
- Kỹ sư công nghệ thực phẩm: Làm việc trong các nhà máy sản xuất thực phẩm, đảm nhiệm việc thiết kế, vận hành và tối ưu hóa quy trình sản xuất thực phẩm.
- Chuyên viên nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D): Nghiên cứu, phát triển và cải tiến các sản phẩm thực phẩm mới, đảm bảo chúng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm.
- Chuyên viên kiểm soát chất lượng (QC): Giám sát và kiểm tra chất lượng nguyên liệu đầu vào và sản phẩm cuối cùng, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm.
- Chuyên viên an toàn thực phẩm (QA): Đảm bảo các quy trình sản xuất tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, quản lý hệ thống ISO, HACCP…
- Chuyên viên phân tích thực phẩm: Thực hiện các phân tích hóa học, vi sinh và cảm quan trên sản phẩm thực phẩm để đảm bảo chất lượng và an toàn.
- Chuyên viên tư vấn dinh dưỡng và xây dựng khẩu phần ăn: Cung cấp thông tin và tư vấn về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng hoặc các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm.
- Chuyên viên marketing và kinh doanh thực phẩm: Phát triển và triển khai các chiến lược marketing, bán hàng cho các sản phẩm thực phẩm.
- Quản lý sản xuất thực phẩm và phát triển bền vững: Quản lý và điều hành các hoạt động sản xuất trong nhà máy, đảm bảo hiệu suất, chất lượng sản phẩm và phát triển bền vững.
- Giảng viên, nhà nghiên cứu tại các trường đại học và viện nghiên cứu: Tham gia giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm.